Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

Kiến trúc - nội thất

Kiến trúc - nội thất


7 mối nguy trong nhà cho sự an toàn của trẻ

Posted: 21 Aug 2014 01:38 AM PDT

Hãy nhớ rằng, căn nhà của bạn không thực sự an toàn cho trẻ như bạn nghĩ. Thực tế có rất nhiều mối nguy hiểm tồn tại và có thể đe dọa tính mạng, sự an toàn của trẻ bất kỳ lúc nào.

Dưới đây là 7 mối nguy hiểm phổ biến nhất tồn tại trong căn nhà thân yêu của mỗi người. Hãy ghi nhớ và thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn.

Cửa sổ hoặc ban công căn hộ cao tầng

Nếu bạn đang sống trong một căn hộ chung cư cao tầng thì cửa sổ mở hoặc ban công là những nơi cực kỳ nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Đối với trẻ, khung cảnh ngoài cửa sổ và ban công luôn kích thích trí tò mò và sự khám phá của trẻ. Bạn cần:

- Làm khung, hàng rào chắn phù hợp cho tất cả cửa sổ, ban công.

- Không để các loại ghế, kệ, thùng gần cửa sổ hoặc ban công vì trẻ có thể đẩy các vật dụng này gần cửa sổ hoặc ban công để leo và trèo ra bên ngoài.

- Đóng các cửa sổ hoặc cửa ra ban công khi bạn đang làm việc nhà và trẻ chơi trong nhà.

- Không nên bế trẻ nhỏ lại sát ban công hoặc cửa sổ. Điều này kích thích trẻ tò mò hoặc muốn khám phá và trẻ sẽ cố gắng lại gần những khu vực này khi không có người lớn bên cạnh.

leo-cua-so-7747-1408605980.jpg

Cửa sổ trong nhà không làm cẩn thận có thể trở thành mối nguy cho trẻ. Ảnh: MT.

Điện và các thiết bị điện

Mối nguy hiểm thứ hai đứng sau ban công và cửa sổ là điện và các thiết bị điện. Bạn cần biết rằng các ổ cắm điện và các thiết bị điện đặc biệt có "sức hút" đối với trẻ nhỏ. Bạn cần:

- Che chắn các ổ cắm điện bằng miếng nhựa hoặc băng keo, đặc biệt là ổ cắm điện cho thiết bị cạo râu trong toilet.

- Không để các vật kim loại như thanh sắt, tuốc-nơ-vít, bút chì... trong tầm với của trẻ và ở gần khu vực ổ cắm điện.

- Cuộn gọn lại dây điện của các thiết bị điện sau khi sử dụng (quạt, bàn ủi…).

- Để bàn ủi sau sử dụng còn nóng xa tầm với của trẻ.

Nước và nước nóng

Trơn trượt và té ngã tại gia đình luôn là tai nạn sinh hoạt có thể gây chấn thương nghiêm trọng, thậm chí chết người. Nguy cơ này có thể giảm thiểu nếu bạn đảm bảo rằng:

- Canh chừng trẻ khi bé đi vệ sinh hoặc tắm rửa. Mặt sàn toilet hoặc bồn tắm luôn rất trơn trượt, đặc biệt nguy hiểm khi bạn sử dụng sữa tắm, xà phòng và nước. Đừng bao giờ cho phép trẻ tự trèo vào hoặc ra khỏi bồn tắm.

- Nước nóng từ vòi sen có thể gây bỏng. Trẻ tỏ ra rất thích thú với việc điều khiển các vòi xả nước trong toilet. Tai nạn bỏng có thể xảy ra nếu trẻ mở chế độ nước nóng và không biết cách tắt hoặc chuyển sang chế độ nước lạnh.

- Đồ ăn nóng đang nấu trên bếp. Bạn nên tập cho trẻ thói quen không đi vào khu vực bếp. Đồ ăn nóng trên bàn ăn cũng là những thứ vô cùng nguy hiểm đối với trẻ. Có rất nhiều tai nạn xảy ra với trẻ nhỏ do đồ ăn nóng vào thời điểm cha mẹ chuẩn bị bữa ăn.

- Bình nước uống nóng lạnh ngày càng trở nên phổ biến trong các gia đình. Sự tiện lợi của bình nước nóng lạnh là không thể phủ nhận nhưng những nguy hiểm do bình nước nóng lạnh là điều bạn cần lưu ý. Hãy mua loại bình nước nóng lạnh có khóa van nước nóng.

- Trẻ có nguy cơ trượt té và tự gây tai nạn do việc đi lại hoặc chạy nhảy trên sàn nhà trơn do có nước. Hãy lau sàn nhà bằng khăn khô ngay sau khăn ướt hoặc mở quạt để mặt sàn khô nhanh hơn.

Bếp và các thiết bị hoặc vật dụng sắc, nhọn

Trong gia đình, căn bếp là hình ảnh tượng trưng cho sự ấm no và hạnh phúc. Tuy nhiên, bếp lại không phải là một nơi thích hợp cho trẻ nhỏ. Có quá nhiều những hiểm nguy tiềm ẩn trong căn bếp nhà bạn. Do vậy bạn cần:

- Luôn ưu tiên sử dụng bếp nấu xa tầm với của trẻ, nếu có thể, hãy lắp đặt tấm bảo vệ cho bếp nấu.

- Luôn để các cán tay cầm của vật dụng nấu bếp, đặc biệt khi đang nấu vào phía bên trong. Đừng bao giờ để cán tay cầm của nồi, chảo nóng ra phía ngoài nơi trẻ có thể với và kéo đổ chúng.

- Không bao giờ để dao, kéo trong tầm với của trẻ. Sử dụng giá treo dao, kéo và tránh để dao, kéo chung với các đồ vật khác trong các ngăn kéo tủ đựng đồ.

- Không bao giờ mang nồi canh hoặc thức ăn nóng trực tiếp từ bếp ra bàn ăn. Luôn nhớ sử dụng các đồ đựng như tô, chén khi cần làm điều này.

- Trẻ nhỏ thường chơi cạnh bạn khi bạn đang nấu bếp. Đây là một hành vi tai hại. Tốt nhất bạn nên tập cho trẻ thói quen không đi vào khu vực bếp.

Hóa chất

Cuộc sống hiện đại không thể thiếu những hóa chất cần thiết như chất tẩy rửa, lau chùi, nước hoa... Thực tế những chất này đã giúp công việc nội trợ trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, nếu nhà bạn có trẻ nhỏ thì hóa chất trở thành một nguy cơ tiềm ẩn đối với an toàn của trẻ. Bạn nên nhớ:

- Các loại hóa chất đều phải được cất giữ tại vị trí phù hợp, tránh xa tầm nhìn và tầm với của trẻ.

- Hóa chất phải được bảo quản trong các thùng, chai làm bằng vật liệu phù hợp.

- Thùng, chai đựng hóa chất phải có tem, nhãn dễ nhìn và dễ đọc cho tất cả mọi người.

- Nếu nhà bạn có người giúp việc hoặc người cao tuổi, bạn phải nhắc nhở hoặc hướng dẫn họ về các loại hóa chất có trong nhà.

- Đừng bao giờ cất giữ hoặc bảo quản các loại hóa chất có thể gây cháy, nổ trong nhà của bạn vì bất kỳ lý do gì.

- Nếu có thể, bạn hãy đọc và hiểu thông tin an toàn hóa chất (MSDS: Material Safety Data Sheet) cho loại hóa chất đang cất giữ trong nhà. Thông tin an toàn hóa chất cung cấp cho bạn những thông tin an toàn và sức khỏe cơ bản và quan trọng đối với loại hóa chất mà bạn sử dụng và bảo quản.

Các loại dị vật

Một trong những "sát thủ" hàng đầu gây tử vong cho trẻ nhỏ là dị vật có khả năng gây tắc nghẽn đường thở. Dị vật có thể là các loại hạt như hạt điều, đậu phộng; hoặc các loại trái cây trơn như nhãn, chôm chôm, vải hay các loại kẹo cứng và trơn, các vật dụng khác như nắp chai nước, mảnh lắp ghép đồ chơi... Để ngăn ngừa và xử trí tai nạn do hóc dị vật gây tắc nghẽn đường thở, bạn nên dành thời gian tham dự khóa huấn luyện "Sơ cấp cứu căn bản dành cho mọi người" để học cách xử lý khi trẻ bị hóc dị vật.

Cửa (cửa nhà, cửa cuốn, ngăn kéo tủ, cửa ôtô…)

Có những tai nạn tuổi thơ do bị kẹp tay vào cửa. Bị kẹp tay vào cửa luôn là tai nạn đáng sợ vì sự đau đớn mà trẻ phải chịu đựng. Do vậy, bạn nên:

- Sử dụng chốt cài cửa để trẻ không tự ý đóng, mở cửa và cũng ngăn cửa không tự động sập lại do gió lớn trong khi tay trẻ đang vô tình ở giữa khe cửa.

- Đối với một số cửa có bộ phận tự đóng, cần cẩn trọng để không rơi vào trường hợp cửa tự động đóng trong khi bạn đang ở bên ngoài và trẻ thì ở trong nhà. Điều này trở nên rất tồi tệ nếu như bạn đang nấu đồ ăn ở trong bếp.

- Nói để trẻ hiểu nguy cơ tai nạn do bị kẹp tay vào cửa. Tập cho trẻ thói quen không chơi trò chơi đóng mở cửa.

- Nếu sử dụng cửa cuốn tự động, cần đảm bảo rằng bạn quan sát trong suốt quá trình cửa cuốn vận hành. Tốt hơn hết là sử dụng loại cửa cuốn không tự động, tức là bạn phải liên tục giữ nút ấn hạ cửa trong suốt quá trình vận hành.

- Các cửa ngăn kéo tủ cũng có thể gây tai nạn cho tay của trẻ. Bạn nên dán băng keo để phòng trường hợp trẻ tự ý mở cửa ngăn kéo tủ và đóng lại có thể gây kẹp tay.

- Nếu nhà bạn có ôtô, trẻ từ 3 đến 5 tuổi thường rất thích được tự mình vào xe mà không cần sự trợ giúp của cha mẹ. Bạn phải chắc chắn trẻ đã hoàn toàn ngồi trong xe và kiểm tra các cạnh của cửa xe để đảm bảo trẻ không còn bám tay vào cạnh cửa rồi mới đóng cửa ôtô.

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho con khi ở nhà, đặc biệt khi trẻ đang ở độ tuổi 3-5, cần ghi nhớ nguyên tắc "5 Không" dưới đây:

Không bao giờ để trẻ ở nhà một mình dù chỉ là trong giây lát nếu bạn không muốn phải hối hận.

Không bao giờ cho rằng trẻ sẽ nghe lời bạn và không nghịch hoặc không làm điều gì đó nguy hiểm. Đây là lứa tuổi của sự tò mò và ưa thích khám phá, trẻ sẽ làm tất cả mọi thứ nhằm thỏa mãn những điều này.

Không bao giờ phớt lờ hoặc bỏ qua bất kỳ điều gì trong ngôi nhà mà bạn nghĩ hoặc cảm thấy có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Hãy lắng nghe tiếng nói từ trái tim của bạn về những điều nguy hiểm có thể gây hại cho con.

Không bao giờ cho phép sự chậm trễ nếu bạn có thể làm điều gì đó để ngăn ngừa tai nạn hoặc sự cố có thể xảy ra cho trẻ.

Không bao giờ tin tưởng giao phó tính mạng và sự an toàn của trẻ cho người giúp việc trong gia đình hoặc người già, người cao tuổi. Sự tận tâm của người giúp việc cũng như sức khỏe, phản xạ ở người cao tuổi không là những thứ đáng tin cậy để đảm bảo an toàn cho con của bạn.

Bác sĩ Quản Hồng Đức
Giám đốc điều hành công ty TNHH MTV Dòng Kẻ

Sáng 30/8, bác sĩ Quản Hồng Đức sẽ chủ trì hội thảo miễn phí về bảo đảm an toàn cho trẻ trong nhà bạn, tại hội trường Tòa nhà ITAXA, 126 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3, TP HCM. Phụ huynh sẽ được chia sẻ về những thứ có thể gây nguy hiểm cho trẻ cũng như cách ngăn ngừa, các kỹ năng sơ cứu cơ bản nếu có tai nạn đáng tiếc xảy ra. Đăng ký tham gia qua điện thoại 0916 616 379/(08) 38201282.

Thứ Tư, 20 tháng 8, 2014

4 công trình kiến trúc Việt Nam đoạt giải quốc tế

 4 công trình kiến trúc Việt Nam đoạt giải quốc tế

4 công trình kiến trúc Việt Nam đoạt giải quốc tế

 4 công trình kiến trúc Việt Nam đoạt giải quốc tế

PDF.InEmail
1 - Thiết kế trường học đoạt giải kiến trúc thế giới
N trường Bình Dương do kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa thiết kế, đoạt giải ở thể loại nhà ở tại lễ hội kiến trúc thế giới (World Architecture Festival - WAF). WAF là sự kiện kiến trúc lớn, bao gồm nhiều hoạt động như hội thảo, diễn văn, triển lãm, trong đó giải thưởng WAF là trọng tâm của lễ hội. Ban giám khảo của giải thưởng này là các kiến trúc sư, nhà thiết kế kiến trúc hàng đầu trên thế giới. Sự kiện diễn ra từ ngày 3/10 - 5/10.
Ngôi trường Bình Dương cũng của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa đoạt giải ở hạng mục trường học.
Ngôi trường có tổng diện tích sàn hơn 6.560 m2, trong khu đất khoảng 5.300 m2, chiều cao tối đa 5 tầng để không vượt quá chiều cao của cây cối xung quanh.
Công trình được tạo thành một khối địa lý có độ dốc hài hòa với khoảng sân xung quanh nhằm tránh cảm giác như một phiến đá đột ngột xuất hiện.
KTS đã sử dụng lam bằng bê tông đúc sẵn bao quanh công trình. Ngôn ngữ kiến trúc này không những bảo vệ giáo viên và học sinh khỏi ánh nắng trực tiếp của mặt trời mà còn tạo ra hệ thống thông gió tự nhiên cho khu hành lang. Tất cả các phòng học đều được kết nối với không gian nửa bên ngoài này. Đây cũng là nơi mà học sinh và giáo viên có thể trò chuyện.
2 - Nhà cao tầng xanh Việt Nam đoạt giải kiến trúc thế giới
Công trình nhà cao tầng xanh - Stacking Green ở thành phố Hồ Chí Minh do kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa thiết kế cũng đoạt giải trong Lễ hội kiến trúc thế giới (World Architecture Festival - WAF).
Công trình nhà cao tầng xanh của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa đoạt giải ở hạng mục nhà ở.
Tác phẩm “Ngôi nhà xanh” của anh từng đoạt giải thưởng Kiến trúc Quốc tế của Mỹ (International Architecture Award), giải thưởng dành cho những thiết kế thân thiện với môi trường - Green Good Design, giành huy chương vàng festival kiến trúc thế giới và xuất hiện trong danh sách 10 công trình kiến trúc độc đáo do trang web ArchDaily bình chọn.
“Ngôi nhà xanh” mà Võ Trọng Nghĩa thiết kế cũng mang nét tâm lý yêu cây cối của dân Sài Gòn. Ngôi nhà dành cho một gia đình nhỏ sinh sống. Thiết kế nhà hình ống trên một mảnh đất có chiều rộng 4m và chiều dài 20m.

3 - Công trình Bamboo Wing được trao giải thưởng International Architecture Award
Công trình Bamboo Wing tại Đại Lải, Vĩnh Phúc, sử dụng vật liệu làm từ tre vừa được bảo tàng Chicago Athenaeum, Mỹ, trao giải thưởng International Architecture Award.
Giải thưởng International Architecture Award (IAA) được tổ chức mỗi năm một lần, hướng đến mục tiêu công nhận những sáng tạo, thành tựu xuất sắc trong kiến trúc và đô thị. IAA tôn vinh công trình kiến trúc mới, kiến trúc cảnh quan, nội thất, quy hoạch đô thị đã và đang thi công trên toàn cầu.
Tổng thể Bamboo Wing.
Lối vào công trình được thiết kế theo cấu trúc đôi cánh mở rộng, thông với bên trong, kết nối với cảnh quan bên ngoài.

4 - Café Gió và Nước (Wind and Water Café)
Café Gió và Nước đã đoạt huy chương vàng Giải thưởng Hội Kiến trúc sư châu Á (Arcasia Awards) 2007-2008. Đây là lần đầu tiên Kiến trúc sư Việt Nam được nhận giải thưởng này và cũng là giải thưởng cao nhất. Công trình café Gió và Nước tại số 6/28T khu 3 Phú Thọ, Thủ Dầu Một, Bình Dương đã trở nên nổi tiếng khắp giới kiến trúc, bởi thiết kế độc đáo. Chủ nhân của công trình này là KTS Võ Trọng Nghĩa và các cộng sự.
Ý tưởng đặc biệt nhất của công trình là ứng dụng nguyên tắc khí động học. Công trình sử dụng năng lượng gió và khả năng làm mát của nước để tạo thành máy điều hòa tự nhiên, tiết kiệm được chi phí mua máy điều hòa, chi phí vận hành máy điều hòa và năng lượng điện sử dụng.
Giữa không gian sàn uống cà phê là một hồ nước nhân tạo. Thoạt nhìn đáy hồ sâu thăm thẳm, nhưng thực ra hồ chỉ cạn chưa đến gối, chính cách tận dụng màu sắc đá đen tạc dưới đáy hồ mang đến cảm giác rất sâu. Nơi khách ngồi uống cà phê thấp hơn mặt hồ. Theo lý giải của Kiến trúc sư thì cách bố trí mặt bằng như vậy giúp khách tận hưởng được luồng gió nước mát đưa từ mặt hồ sang.